Tầm ảnh hưởng Việt_Nam_vong_quốc_sử

Trong Phan Bội Châu niên biểu, tác giả kể:

Thượng tuần tháng 8, ông (Phan Bội Châu) đến Quảng Đông (Trung Quốc), vào thăm Lưu Vĩnh Phúc, nhân tiện để yết kiến ông Nguyễn Thiện Thuật là Tham tán Tam Tuyên ngày trước. Đã hơn mười năm nay, ông Thuật nghiện thuốc phiện, nhưng sau khi đọc xong chương trình Duy Tân hội và cuốn Việt Nam vong quốc sử, ông đã đập bàn đèn và tiêm móc, rồi nói to với ông Phan rằng: Các anh là bọn hậu tiến còn lo nghĩ thế này, có lẽ nào tôi cứ sống mãi ở trong vòng đen tối hay sao. Rồi từ đó, ông Thuật quyết chí cai nghiện thuốc phiện.

Trong Việt Nam nghĩa liệt sử của Phan Bội Châu chép:

Quyền Tổng đốc Lê Khiết vốn là bạn thân và là tùy tướng của Nguyễn Thân. Ông đã từng đi đàn áp nghĩa binh ở Nam Ngãi và Nghệ Tĩnh, nhưng khi đọc sách Việt Nam vong quốc sử thì nước mắt ông chảy ròng ròng, và nói to rằng: Thương thay! Trước đây tôi thiệt là chó má vậy; từ nay trở đi, tôi quyết làm người. Từ đấy, Lê Khiết tham gia cách mạng. Nhân vụ kháng thuế, ông bị khép vào tội xướng loạn và bị án tử hình. Lúc sắp bị chém, ông Khiết còn nói câu: Các vết nhơ do lịch sử nửa đời người, tôi nay lấy máu cổ mà rửa. Vinh hạnh biết chừng nào.

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh cho biết:

Chỉ vì đọc Phan Bội Châu mà hàng nghìn thanh niên đã cắt tóc bím, vứt hết sách vở văn chương, nghề cử tử, cùng cái mộng công danh nhục nhã gắn trên đó; lìa bỏ làng mạc, nhà cửa, vợ con, rồi băng ngàn lội suối, bất chấp mọi nỗi đói thiếu, nguy hiểm, khổ sở để qua Xiêm, qua Tàu, qua Nhật mà học hỏi, mà trù tính việc đánh Tây. Đó là một thành công vĩ đại. Trong tác dụng ấy của văn thơ Phan Bội Châu, có Việt Nam vong quốc sử, Hải ngoạị huyết thư đóng góp một phần rất quan trọng.[4]